Tổng Bí thư Trường Chinh- Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

Lượt xem:

Đọc bài viết

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (09/02/1907- 09/02/2022)

Tổng Bí thư Trường Chinh- Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

Tổng Bí thư Trường Chinh

Tổng Bí thư Trường Chinh là người học trò xuất sắc và là một trong những đồng chí chiến đấu, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Tổng Bí thư Trường Chinh có sự hòa quyện giữa nhà chính trị, tư tưởng và lý luận với nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ quyện với nhau làm một, thể hiện tài năng, tình cảm cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.

Tổng Bí thư Trường Chinh sinh ngày 09/02/1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình trí thức yêu nước. Năm 18 tuổi, Trường Chinh tham gia phong trào yêu nước rồi gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Thông qua việc tìm hiểu tác phẩm “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc và Chủ nghĩa Mác-Lênin, từ một thanh niên yêu nước, Trường Chinh đã trở thành người cộng sản. Trong mười năm hoạt động đầu tiên, đồng chí ra sức truyền bá đường lối cách mạng của Đảng cho cán bộ và nhân dân ta.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ tháng 11/1940, với cương vị Quyền Tổng Bí thư ở thời điểm vô cùng khó khăn này, đồng chí cử cán bộ đi chắp nối liên lạc, khôi phục tổ chức và cử người sang Quảng Tây đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước…

Từ tháng 5/1941, trên cương vị Tổng Bí thư, với trí tuệ sắc sảo, đồng chí cùng với Trung ương Đảng có những quyết định quan trọng, đưa cách mạng tiến lên những bước nhảy vọt. Nổi bật nhất là chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta ”. Chỉ thị đó, cùng với “Lời kêu gọi” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, có tác động lớn đến việc động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng cao trào chống Nhật, cứu nước.

Tại Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, đồng chí được cử phụ trách Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Tối 13/8/1945, Ủy ban phát lệnh Tổng khởi nghĩa; chỉ trong một thời gian ngắn, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công vang dội.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí cùng tập thể Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến. Tác phẩm“Kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí đã xác định rõ mục tiêu và củng cố niềm tin của cán bộ và nhân dân vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến. Trong cuộc chống Mỹ, cứu nước, đồng chí cùng tập thể Bộ Chính trị, Trung ương Đảng có những đóng góp quan trọng vào việc đề ra những quyết sách chiến lược, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Cống hiến đặc biệt của Tổng Bí thư Trường Chinh là đã đặt nền móng cho công cuộc đổi mới. Năm 1986, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí sớm nhận rõ xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước và nguyện vọng của nhân dân. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng ta đã trở thành Đại hội đổi mới, đánh dấu mốc son mới, rất quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và là một bước ngoặt lớn trong tư duy lý luận của Đảng ta. Từ đó, Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn.

Nhà lý luận, nhà văn hóa lớn, nhà báo, nhà thơ

Là một trong những nhà lý luận chiến lược của Đảng ta, Tổng Bí thư Trường Chinh đã để lại nhiều tác phẩm lý luận có giá trị: Chống chủ nghĩa cải lương; Vấn đề dân cày (viết chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp); Chính sách mới của ĐảngKháng chiến nhất định thắng lợiBàn về cách mạng Việt NamNắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược… Thông qua các tác phẩm đó đã góp phần làm rõ 2 vấn đề lý luận: Về phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Trước mỗi thử thách của cách mạng, ở mỗi chặng đường lịch sử, Tổng Bí thư Trường Chinh đều nêu lên nhiệm vụ cụ thể của văn hóa. Nhiều tác phẩm, bài viết của đồng chí góp phần hình thành một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm Hồ Chí Minh vào lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.

Đề cương văn hóa Việt Nam; Báo cáo về Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt NamBáo cáo đọc tại các Đại hội văn nghệ toàn quốc… với sự tham gia biên soạn của đồng chí là những cơ sở lý luận để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Và đến nay vẫn còn nguyên giá trị, minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và sâu rộng của Tổng Bí thư Trường Chinh.

Sinh thời, Tổng Bí thư Trường Chinh là một nhà báo cách mạng nổi tiếng, là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Đồng chí kế tục xuất sắc sự nghiệp báo chí của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với những tác phẩm có tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn, tầm lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng trong cán bộ cũng như các tầng lớp nhân dân. Đồng chí làm chủ bút nhiều tờ báo quan trọng, là cơ quan ngôn luận của Đảng: Cờ giải phóng, Sự Thật, Nhân Dân, Tạp chí Tiên Phong, Tạp chí Cộng Sản

Tổng Bí thư Trường Chinh còn là nhà thơ với bút danh Sóng Hồng. Nhiều bài thơ thể hiện cảm xúc của tác giả trước những sự kiện quan trọng của đất nước bằng một tinh thần luôn lạc quan, tin tưởng ở tương lai, tiền đồ rạng rỡ của cách mạng. Thơ Sóng Hồng có sức chiến đấu mạnh mẽ, giàu lòng nhân ái sâu sắc và đánh dấu từng bước trưởng thành của cách mạng Việt Nam.

Là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, Tổng Bí thư Trường Chinh đã suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; không ngừng rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Ở đồng chí luôn toát lên ý chí kiên cường vì sự nghiệp cách mạng, tinh thần kỷ luật cao, tình cảm chân thành với nhân dân, đồng chí; khiêm tốn, giản dị trong cuộc sống, phong cách làm việc khoa học; dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Trước những bước ngoặt lịch sử, sự cần thiết phải đổi mới tư duy, đồng chí đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và tình hình thực tế, cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đề ra chủ trương phù hợp, dựa vào sức mạnh của nhân dân để làm nên thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam.

Trong không khí vui xuân, đón Tết Nhâm Dần – Năm 2022, kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh là dịp để chúng ta cùng nhau tự hào ôn lại và tôn vinh những cống hiến to lớn của Nhà lãnh đạo kiệt xuất- Tổng Bí thư Trường Chinh. Từ đó, mãi mãi vững tin theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Minh Hoàng (Nguồn: https://www.quangngai.dcs.vn/)