Giới thiệu về trường
THPT Vạn Tường – Ngày ấy
Nằm ở khu Đông huyện Bình Sơn, trên tỉnh lộ 621 từ thị trấn Châu Ổ đi cảng Sa Kỳ, cách quốc lộ 1A 15 km về phía đông, có một ngôi trường THPT mang tên Vạn Tường- địa danh ghi dấu chiến công anh hùng của quân dân ta trong trận đầu trực tiếp đọ súng với quân viễn chinh Mỹ. Ngôi trường ấy được xây dựng từ 30 năm trước.
Huyện Bình Sơn là một huyện có diện tích rộng, dân số đông, nằm trải dài theo hướng Đông- Tây vắt ngang qua quốc lộ 1A.. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp huyện Sơn Tịnh, phía Tây giáp huyện Trà Bồng, phía Đông vươn mình ra tới biển Đông, bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn. Sau chiến thắng lịch sử 1975, cả huyện chỉ có một ngôi trường bậc THPT nằm ở trung tâm huyện. Là một vùng đất giàu truyền thống anh hùng nhưng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, việc khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội là nhu cầu cấp bách. Nhân dân trong huyện hầu hết sinh sống bằng nghề nông, kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì thế, đầu tư cho việc học tập của con em trở thành nan giải.
Xuất phát từ thực tế đó, theo đề xuất của UBND huyện Bình Sơn, UBND tỉnh và Ty Giáo Dục Nghĩa Bình đã phê duyệt phương án xây dựng một ngôi trường THPT mới tại khu Đông huyện Bình Sơn đặt tại xã Bình Phú. Trường THPT Vạn Tường được thành lập năm 1982. Gọi là được thành lập, nhưng trên thực tế chỉ có thầy, có trò mà chưa có trường. Nơi ngôi trường đang được xây dựng là một khu đất mà dấu vết của chiến tranh vẫn còn in đậm với lởm chởm cây cối, loang lổ hố bom, đất đá ong nhả khói. Thầy và trò phải dạy học nhờ ở trường Tiểu học Bình Phú. Năm học 1982-1983, trường có 13 thầy cô giáo, 6 lớp gồm 4 lớp 10 mới tuyển sinh và 2 lớp 11 chuyển từ trường THPT Bình Sơn về. Học kỳ II năm học 1982-1983, thầy trò mới thực sự chuyển về trường mới nằm trên một khu đất rộng 37.200m2. Quy mô xây dựng chỉ có hai dãy phòng cấp 4 với 10 phòng học, không phòng làm việc, không giếng nước, không công trình phụ, không nhà tập thể… Sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, thực hành… hầu như chưa có. Ai đã từng công tác và học tập tại trường vào những năm tháng ấy mới thấy hết được sức vươn lên của một ngôi trường, để hôm nay nhìn lại, chúng ta càng tự hào về nhũng gì đang có.
Trường THPT Vạn Tường khi mới thành lập
Từ năm học 1983-1984 đến năm học 1988-1989, số lớp học của trường không tăng: toàn trường có 7 lớp gồm 3 lớp 10, 2 lớp 11 và 2 lớp 12. Năm học 1989-1990, số học sinh của trường có dấu hiệu giảm (còn 5 lớp), và năm học 1990-1991 giảm đáng kể (còn 4 lớp). Tuyển sinh vào lớp 10 năm học ấy chỉ có 18 học sinh. Nguy cơ giải tán trường là khó tránh khỏi. Trước tình hình đó, UBND huyện BìnhSơn và Sở Giáo dục – Đào tạo Quảng Ngãi quyết định sáp nhập trường THCS xã Bình Phú vào trường THPT Vạn Tường. Từ năm học 1992-1993 trở đi, số học sinh của trường tăng dần trở lại, và mỗi năm càng tăng thêm. Đến năm học 2011-2012, trường có 47 lớp gồm 7 lớp bậc THCS và 40 lớp bậc THPT.
Địa bàn tuyển sinh của trường bậc THPT gồm các xã: Bình Châu, Bình Phú, Bình Tân, Bình Thanh Đông, Bình Thanh Tây, Bình Hòa, Bình Hải, và một số ít học sinh ở Bình Phước, Bình Trị. Bậc THCS tuyển sinh chủ yếu là địa bàn Bình Phú (có một số học sinh Bình Tân cũng xin dự tuyển vào trường). Dự kiến trong các năm học tới, số học sinh của trường sẽ dần ổn định ở múc 45 lớp.
Cùng với sự gia tăng số lượng học sinh, đội ngũ thầy cô giáo và nhân viên của trường cũng không ngừng tăng lên về số lương cũng như chất lượng. Từ buổi ban đầu có 13 thầy cô giáo, đến nay trường đã có 105 cán bộ, giáo viên và nhân viên được phân thành 6 tổ chuyên môn và 1 tổ hành chính. Toàn trường đã có 13 thạc sĩ và 6 thầy cô dạy bậc THCS đã hoàn thành chương trình Đại học; có 7 thầy cô giáo là GVDG cấp tỉnh.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Chi bộ nhà trường trực thuộc Huyện Ủy Bình Sơn gồm 24 đảng viên lãnh đạo trực tiếp, toàn diện mọi hoạt động trong trường. Chi bộ Đảng nhà trường nhiều năm đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh. Công tác đoàn thể cũng được quan tâm đúng mức. Đoàn viên nhà trường luôn năng động trong mọi hoạt động, giữ vững kỷ cương, nề nếp học sinh, tham gia có hiệu quả vào các cuộc vận động của nhà trường và xã hội. Đoàn, Đội đạt danh hiệu vững mạnh, xuất sắc trong nhiều năm liền. Các công đoàn viên tham gia tích cực các hoạt động thi đua của nhà trường, quan tâm xây dựng tập thể đoàn kết, chăm lo đến đời sống của CB, GV, CNV, tham gia đầy đủ các phong trào nhân đạo, xây dựng nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực.
Cơ sở vật chất của nhà trường từng bước được xây dựng mới. Từ khi thành lập, trường chỉ có 10 phòng học cấp 4 đến nay trường đã xây dựng mới được 30 phòng học kiên cố; 2 dãy phòng dùng làm phòng thư viện, thực hành, phòng máy vi tính, phòng làm việc của các tổ chuyên môn; 1 dãy phòng thiết bị, 1 dãy phòng làm việc của Ban giám hiệu và bộ phận văn phòng. Trong năm học mới này, trường được Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư cho xây dựng 8 phòng học mới và một nhà đa chức năng. Cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng khang trang góp phần vào việc xây dựng phong trào “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”. Tuy chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục trong tình hình mới nhưng cơ sở vật chất của trường vẫn đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong các năm học tiếp theo.
Là một ngôi trường nằm ở vùng kinh tế khó khăn nhưng với lòng yêu nghề của thầy cô giáo và tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập của học sinh, chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được cải thiện. Mặc dù điểm tuyển sinh vào các lớp đầu cấp còn thấp, nhưng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT nhiều năm qua đạt ngang mặt bằng chung của tỉnh. Tỉ lệ học sinh thi đỗ Đại học và Cao đẳng hàng năm khoảng 25%, có năm đạt 32%. Đăc biệt trong các kỳ thi thi tuyển sinh vào Đại học, nhiều học sinh của trường đã đỗ với điểm số khá cao. Học sinh cũ của trường có nhiều em đã thành đạt trong cuộc sống, trở thành các sĩ quan quân đội, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục… trên nhiều miền của đất nước.
Đây đó vẫn còn một vài hiện tượng cá biệt đáng buồn, nhưng là điều khó tránh khỏi. Thầy trò trong toàn trường luôn cố gắng phấn đấu lập thành tích hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập trường và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Tự hào với những thành tích đã đạt được, cần khắc phục những hạn chế còn tồn tại, các thế hệ thầy cô giáo trường THPT Vạn Tường vẫn tin tưởng rằng sự nghiệp giáo duc của nhà trường không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu của của đất nước trong thời kỳ mới. Nhân dân và lãnh đạo các cấp có quyền đòi hỏi ở chúng tôi những thành quả lớn hơn, và bản thân chúng tôi cũng rất tự giác trước trách nhiệm của mình.Với tâm thế sẵn sàng của người chiến sĩ trên mặt tận giáo dục, CB, GV, NV của nhà trường sẽ mang hết tâm trí, sức lực của mình tiếp tục sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.